• Zalo

TP.HCM với bài toán thừa biên chế - thiếu người làm

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 15/07/2022 16:16:20 +07:00Google News

Nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện các “làn sóng” nghỉ việc của cán bộ biên chế.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm việc với UBND TP.HCM về vấn đề tổ chức bộ máy, nhân sự. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, TP.HCM hiện là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được trung ương giao.

Tuy nhiên, phía thành phố vẫn luôn kêu thiếu nhân sự và thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện các “làn sóng” nghỉ việc của cán bộ biên chế. Vậy mâu thuẫn này là thế nào? Thành phố có phương hướng giải quyết gì trước thực trạng này?

TP.HCM với bài toán thừa biên chế - thiếu người làm - 1

Người dân đến làm thủ tục tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. 

Nghịch lý

Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin, hiện nay, số biên chế viên chức mà HĐND TP.HCM giao cho thành phố là 99.985 người, cao hơn so với số lượng trung ương giao là 97.881 biên chế. Như vậy, toàn TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được trung ương giao.

Lý giải về sự chênh lệch này, ông Nhân cho hay, "đây là vấn đề lịch sử", do quá trình quản lý cán bộ, công chức từ các năm trước. Tuy nhiên, theo ông Nhân, số cán bộ, công chức này không dư, mà đều đang làm việc tại các sở ngành, quận huyện, phường xã.

Một nghịch lý khác cũng diễn ra là việc một số địa phương tại TP.HCM kêu than thiếu cán bộ biên chế, dẫn đến áp lực công việc gia tăng. Cụ thể TP.HCM có 4 xã, phường trên 100.000 dân và 51 xã, phường có trên 50.000 dân nhưng cùng có mức cán bộ biên chế như nhau, tức là tối đa 37 biên chế cán bộ.

Chẳng hạn, xã Vĩnh Lộc A, Huyện Bình Chánh, TP.HCM có 167.000 dân với hơn 80% người nhập cư nhưng có 36 biên chế, tính ra mỗi cán bộ phải phục vụ hơn 4.600 người dân.

Chị Nguyễn Thị Như An, chuyên viên Văn phòng UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết, từ ngày đặt chân vào UBND làm việc, chị chưa được nghỉ phép một ngày nào, kể cả nghỉ phép để khám bệnh cho bản thân cũng không có.

Nói chung là từ ngày em bước chân vào UBND làm, tôi chưa được nghỉ phép một ngày nào, mà bây giờ càng không được nghỉ, kể cả bị bệnh. Tôi phải thay khớp háng nên phải đi khám định kỳ mà mấy năm rồi không đi khám được. Tinh giản biên chế như thế này, tôi càng không có thời gian để đi khám bệnh”, chị An tâm sự.

Tương tự tại khu vực thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, cho hay, quy mô dân số của phường là 107.000, khối lượng công việc lớn, trong khi chỉ tiêu giao biên chế là 37 người (hiện 34 người), không đáp ứng được công việc. Do áp lực cao, khối lượng công việc lớn nên liên tục có tình trạng cán bộ nộp đơn xin nghỉ việc. Cá biệt có một phó chủ tịch phường cũng từ nhiệm. Phía phường cũng xin đề xuất về việc bổ sung thêm nhân lực để có thể đảm đương được khối lượng công việc hiện nay

Ứng dụng nhiều công nghệ thông tin, tuy nhiên, việc xử lý của các cán bộ công chức của phường vẫn làm theo cách truyền thống vì phải xuống thực tế để xử lý nên khối lượng công việc rất nhiều, gây áp lực cho anh em. Tình trạng cán bộ công chức của phường phải làm thêm giờ thứ bảy, chủ nhật là phổ biến.

Chúng tôi cũng đề xuất đối với các cán bộ không chuyên trách, bổ sung số lượng tăng thêm một số vị trí và đặc biệt là tăng thêm chính sách cho người lao động không chuyên trách, vì hiện nay đang rất thấp. Riêng đối với công chức, đề xuất thành phố và trung ương bố trí bổ sung cho những phường đông dân”, ông Tuấn nói.

TP.HCM với bài toán thừa biên chế - thiếu người làm - 2

Công chức, viên chức làm việc tại TP.HCM.

Không chỉ phường Hiệp Bình Chánh mà phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM, cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi diện tích của phường 3,7 km2 nhưng chỉ tiêu biên chế cho lĩnh vực địa chính – xây dựng – môi trường chỉ là 3 cán bộ. Điều này khiến một số cán bộ phụ trách nơi đây phải “gánh còng lưng” một địa bàn rộng lớn.

Anh Nguyễn Trường Ninh, cán bộ địa chính xây dựng môi trường phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ: "Địa bàn rộng nhưng cán bộ chỉ như thế thôi. Khối lượng công việc của anh em ngày càng phát sinh thêm. Anh em phải chia ca ra, ngoài công tác giải quyết thủ tục hành chính, còn công tác lòng, lề đường, vệ sinh môi trường, đi kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn".

Rõ ràng, việc một công chức phải phục vụ cho hàng nghìn người dân là áp lực công việc không nhỏ. Bên cạnh đó là chế độ đãi ngộ không thực sự tương xứng đã khiến rất nhiều công chức “dứt áo ra đi” tại các địa phương.

Thế nhưng, thành phố lại “xuất hiện” những bộ phận có đến hàng nghìn công chức mà nơi khác không có như như đội quản lý trật tự đô thị, mỗi địa phương khoảng 50 người, 22 quận/huyện/thành phố đã có gần 1.000 người. Hay Ban quản lý an toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước…

Trước vấn đề này, tại kỳ họp giữa năm HĐND TP.HCM diễn ra mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, sẽ có báo cáo đầy đủ hiện trạng, nhu cầu của thành phố cho Bộ Nội vụ để có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay.

"Thành phố sớm có báo cáo về vấn đề này, chúng ta gửi báo cáo cho Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, cho Bộ Nội vụ để xem xét những vấn đề của thành phố. Trên tinh thần chúng ta là không đòi nhiều, nhưng đề nghị phải đủ, phù hợp với thành phố, để chúng ta đảm đương được công việc", ông Mãi nhấn mạnh.

TP.HCM với bài toán thừa biên chế - thiếu người làm - 3

Chủ tịch UBND TP.HCM: TP.HCM không đòi nhiều biên chế mà chỉ xin đủ.

Đừng để "thừa, thiếu cán bộ" làm ảnh hưởng người dân

Trong khi chờ quyết định từ phía Trung ương, trước mắt, TP.HCM cần phải tìm cách giữ chân được số cán bộ công chức tại các địa phương đông dân bằng cách giảm bớt áp lực công việc và cần có chế độ lương thưởng phù hợp.

Song song đó, cần xem xét lại hiệu quả trong công việc của các cán bộ công chức tại bộ phận “đặc thù” mà chỉ mỗi thành phố mới có. Từ đó, sẽ có những sự tinh giảm phù hợp, tránh việc “thừa biên chế nhưng lại thiếu người làm” như hiện nay.

Là đô thị đặc biệt với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, tuy vậy, trong một vài năm trở lại đây, TP.HCM bắt đầu có những dấu hiệu của sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế xã hội. Có khá nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong số đó, vấn đề về chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ viên chức trong bộ máy hành chính Nhà nước được “chỉ mặt đặt tên” khá rõ ràng.

TP.HCM với bài toán thừa biên chế - thiếu người làm - 4

Cần nâng cao đời sống cho công chức, viên chức.

Ngay tại thành phố được xem là nhộn nhịp nhất đất nước này, rất nhiều lần, chúng tôi được nhìn thấy cảnh người dân phải mất cả buổi sáng chỉ để hoàn thành việc công chứng các giấy tờ tùy thân thông thường. Và cũng không ít lần, chúng tôi được nghe các doanh nghiệp tâm tư rằng phải mất rất nhiều thời gian và công sức để hoàn tất các thủ tục với các cơ quan hành chính. Dù không khỏi bức xúc, song hầu hết cũng chỉ biết “cười trừ”.

Ở phía ngược lại, chúng tôi tin rằng, các cán bộ công chức trực tiếp thụ lý, giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp cũng không khá khẩm gì hơn. Bởi thực tế, sau khi dịch COVID-19 tạm lắng xuống, rất nhiều cán bộ từ cấp chuyên viên đến quản lý, thậm chí lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương tại TP.HCM lâm vào cảnh “quá tải” bởi núi hồ sơ, công việc khổng lồ, trong khi thu nhập và phụ cấp quá bèo bọt.

Không ít người trong số họ đã và đang có ý định “nghỉ việc” để không chỉ được giải tỏa áp lực mà còn có được nguồn thu nhập tốt hơn.

Bên cạnh tình trạng “thiếu người trầm trọng” tại một số địa phương, lĩnh vực, cũng tồn tại một nghịch lý khó chấp nhận khác là tình trạng “thừa nhân sự” diễn ra ở một số nơi. Trong khi nhiều người "tối mắt tối mũi" mà vẫn không hết việc, vẫn có kẻ “ngồi chơi xơi nước chờ đến hết giờ”. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về công tác sắp xếp và sử dụng cán bộ, cũng như chỉ ra yêu cầu cấp thiết về việc đổi mới công tác nhân sự trong tình hình mới.

Dịch COVID-19 là một thách thức vô cùng lớn song cũng mang đến nhiều thay đổi tích cực trong tư duy, phương pháp làm việc cũng như tối ưu hóa chất lượng nhân sự.

Ở đó, “số hóa” được xem là yếu tố tiên quyết và nâng cao chất lượng cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm. Cần triệt để xóa bỏ tình trạng “nể nang, châm chước”, thay vào đó cần cương quyết nói không với những cán bộ thiếu năng lực, thiếu phẩm chất đạo đức. Không chỉ vậy, cần xem đời sống của cán bộ là vấn đề cốt lõi để tập trung chăm lo nâng cao thu nhập, phụ cấp một cách chính đáng.

Chắc chắn sẽ có những khó khăn ban đầu song TP.HCM cần mạnh dạn thay đổi để hướng tới những mục tiêu quan trọng hơn trong tương lai, mà ở đó, vấn đề về “thiếu thừa cán bộ” sẽ không còn là vướng mắc gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như sự ổn định của doanh nghiệp.

(Nguồn: VOV Giao Thông)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp